Trang chủ / Blog / "Kỹ sư chân đất" Tư Sang

"Kỹ sư chân đất" Tư Sang


Mấy năm gần đây, ngày càng nhiều nông dân các tỉnh, thành vùng ĐBSCL biết đến Cơ sở Cơ khí Tư Sang (ở ấp Khu phố Cầu Xéo, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Những chiếc máy tuốt lúa, máy gặt đập liên hợp mang tên Tư Sang xuất hiện ngày càng nhiều ngoài đồng, gánh vác bớt phần nặng nhọc của nhà nông để làm ra những hạt lúa vàng.

* Từ máy tuốt lúa Tư Sang...

Ông Tư Sang (ảnh) tên thật là Nguyễn Văn Lang, năm nay đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề cơ khí.

Sau một thời gian miệt mài với công việc sửa chữa các loại máy móc, năm 1980, ông bắt đầu nghiên cứu, chế tạo máy nông cụ. Thời điểm này, nông dân tỉnh Tiền Giang cũng như ở các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL rất thiếu phương tiện cơ giới để sản xuất lúa. Khi thu hoạch lúa, nhiều hộ phải “đập bồ” rất vất vả và kéo dài thời gian. Lúc bấy giờ, trên thị trường có các loại máy tuốt lúa ngoại nhập nhưng rất đắt tiền và cũng không phù hợp với vùng đất phù sa, ngập nước như ĐBSCL. Từ đó, ông Tư Sang ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi các nguyên tắc, tính năng của loại máy này để cải tiến phục vụ nông dân.


Qua nhiều lần thất bại, rút tỉa được nhiều kinh nghiệm và cuối cùng ông Tư Sang đã thành công. Chiếc máy tuốt lúa cải tiến do ông làm ra đã được nông dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng bởi những ưu điểm: rẻ tiền, gọn nhẹ, thu hoạch nhanh, giảm bớt hao hụt do lúa bị đổ tháo... Vậy là, máy tuốt lúa nhãn hiệu Tư Sang ra đời ở thập niên tám mươi của thế kỷ trước, bán chạy như tôm tươi vì rất tiện lợi trong sản xuất lúa hàng hóa. Đến nay, dù đã có mặt trên đồng ruộng hơn 20 năm nhưng máy tuốt lúa Tư Sang vẫn được nhiều nông dân sử dụng. Ông Tư Sang nhẩm tính, đến nay ông đã cải tiến được trên 2.000 máy tuốt lúa phục vụ sản xuất của nông dân.

Xuất phát từ việc thiếu nhân công trong mùa thu hoạch lúa, năm 1996, ông Tư Sang lại nghĩ đến việc sáng chế ra một loại máy nông cụ mà nó có thể vừa cắt vừa tuốt và vừa làm cho lúa sạch... Do có 3 chức năng cùng một lúc nên việc nghiên cứu, sáng chế ra loại máy này hết sức khó khăn. Thật ra, loại máy này ở nước ngoài vẫn có nhưng không thích hợp sử dụng trên cánh đồng ở miền Nam.

* ... Đến máy gặt đập liên hợp cải tiến

Gần 10 năm nghiên cứu, đến năm 2006 ông Tư Sang cho ra đời máy gặt đập liên hợp. Đây là loại máy hiện đại, đang được nhiều nông dân trong khu vực tin dùng trong sản xuất. Máy gặt đập do ông Tư Sang sáng chế có trọng lượng hơn 2 tấn; có khả năng thu hoạch mỗi ngày từ 4-5 ha lúa. Tính ra, loại máy này thay thế cho khoảng hơn 50 công lao động. Tuy giá trên 130 triệu đồng/máy nhưng cơ sở sản xuất không đủ máy để bán cho nông dân các nơi.

Từ xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa (Long An), ông Nguyễn Hữu Biền đã đến tận cơ sở của ông Tư Sang để đặt mua một máy gặt đập liên hợp về phục vụ sản xuất tại địa phương. Có được máy gặt đập Tư Sang, ông Biền vui vẻ nói: “Thật tình tôi không biết cơ sở này ra sao, chỉ thấy người ta sử dụng hiệu quả thì tôi tìm tòi mua cho bằng được để đỡ công lao động”.

Đến nay, ông Tư Sang sáng chế ra khoảng 30 máy gặt đập liên hợp. Do chất lượng tốt, hiệu quả cao nên loại máy này được nông dân nhiều tỉnh trong khu vực biết đến. Nhất là khi gieo sạ lúa đồng loạt để né rầy như hiện nay thì máy gặt đập liên hợp phát huy được hiệu quả. Hiện tại, ông đang nung nấu ý nghĩ sáng chế ra loại máy gặt đập liên hợp cỡ nhỏ, vừa phù hợp túi tiền của nông dân lại vừa gọn nhẹ, cơ động hơn.

Ông Tư Sang bộc bạch: “Tôi theo đuổi nghề nông nghiệp này cũng lâu cho nên nông dân có nhu cầu thì mình nghiên cứu để giúp bà con. Bây giờ làm được cái máy này rồi nhưng nông dân yêu cầu làm loại máy nhỏ hơn cho nó gọn nhẹ. Qua quá trình nghiên cứu chế tạo, nếu đưa dụng cụ thô sơ vô thì ảnh hưởng cho nông dân dữ lắm, nên tôi đang tìm nguồn hàng tốt để làm loại máy nhỏ hơn mà cũng tiện ích hơn”.

Cơ sở cơ khí của ông Tư Sang lúc nào cũng nhộn nhịp, các máy móc nông cụ chất đầy, loại thì hư hỏng (của nông dân đưa đến đây sửa chữa), số thì mới vừa xuất xưởng (nhưng đã có chủ). Năm 2007 vừa qua, sản phẩm máy gặt đập liên hợp Tư Sang dự Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp khu vực phía Nam được công nhận sản phẩm công nghiệp - nông thôn tiêu biểu.

Nhận xét về người “kỹ sư chân đất” này, kỹ sư Đoàn Văn Son, Phó phòng Nông nghiệp huyện Cái Bè, cho biết: “Ông Tư Sang rất say mê việc nghiên cứu máy móc. Vừa rồi, tuy máy gặt đập chưa hoàn chỉnh nhưng đem đi dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp khu vực ông Tư đoạt giải Khuyến khích. Ngành nông nghiệp, hội đồng khoa học kỹ thuật huyện đang hỗ trợ ông Tư Sang hoàn thiện cái máy này để đưa vào sản xuất”.

***

Bản tính của ông Tư Sang ít nói, làm nhiều. Ông đặc biệt dành nhiều thời gian cho việc tìm tòi, nghiên cứu máy móc. Hiện tại, gia đình ông có 2 xưởng cơ khí với hơn 30 công nhân thường xuyên. Hai người con trai của ông đều theo đuổi nghề của cha, một người đã là kỹ sư cơ khí, một người là công nhân lành nghề.

Dù tuổi đã gần 70, kinh tế gia đình khá giả nhưng ông Tư Sang vẫn chưa hề nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi. Ông cho biết: nếu không trực tiếp lao động chân tay thì làm cố vấn kỹ thuật. Ông hy vọng một ngày gần đây cơ sở cơ khí của gia đình sẽ sáng chế, cải tiến ra nhiều loại nông cụ, máy móc cần thiết, có ích cho ngành nông nghiệp để giúp bà con nông dân giảm bớt vất vả trong sản xuất.