Trang chủ / Blog / ‘Lợi Ích Kép’ Từ Máy Cuốn Rơm

‘Lợi Ích Kép’ Từ Máy Cuốn Rơm


Trong khi ở nhiều nơi, nông dân sau khi thu hoạch lúa xong thường đốt bỏ rơm ngay trên đồng ruộng, thì tại xã Hải Trường, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị), từ nhiều năm nay, người dân đã sử dụng máy cuốn rơm để thu gom rơm rạ, vừa tránh được tập quán đốt rơm trên đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường, làm mất cân bằng hệ sinh thái trong đất, vừa có nguồn rơm làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc, ủ phân hữu cơ, phục vụ nhu cầu trồng nấm rơm…


Rơm được thu gon bằng máy cuốn rơm. Ảnh: LA

Trao đổi với chúng tôi khi đang đứng chờ máy cuốn rơm thu gom rơm rạ trên thửa ruộng của mình, ông Lê Minh ở thôn Tân Xuân Thọ, xã Hải Trường cho biết, gia đình ông hằng năm sản xuất khoảng 3 ha lúa. Nếu như những năm trước, sau khi thu hoạch lúa xong ông phải mất gần 1 tuần để phơi, thu gom và vận chuyển rơm về nhà thì vụ đông xuân năm nay, nhờ máy cuốn rơm ông chỉ cần 1 ngày phơi rơm và 1 buổi để thu gom tất cả về nhà.

Theo ông Minh, bình quân 1 sào ruộng ông thu được 8 - 12 cuộn rơm, giá thuê máy cuốn rơm là 10.000 đồng/ cuộn. Ưu điểm của máy cuốn rơm là rơm được thu gom gọn gàng, được cuốn lại thành từng cuộn tròn nên vận chuyển, bảo quản dễ dàng, không tốn nhiều công sức như xây cây rơm theo kiểu truyền thống trước đây. “Vụ này tôi thu được gần 500 cuộn rơm. Số rơm này một phần tôi để dự trữ cho đàn bò của gia đình sử dụng trong thời gian tới, một phần bán cho đầu mối thu gom ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế với giá 20.000 đồng/cuộn”, ông Minh nói.


Còn ông Đoàn Hưng cũng ở thôn Tân Xuân Thọ thì cho hay, do thời gian chuyển tiếp từ vụ đông xuân sang vụ hè thu quá ngắn nên để đảm bảo kịp thời vụ, sau khi thu hoạch lúa xong, ông thường chọn giải pháp đốt rơm rạ ngay trên ruộng của mình. Nhưng từ khi có máy cuốn rơm, ông không còn phải làm công việc đó nữa. Theo ông Hưng, chỉ cần sau khi thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp xong là đã có người đến hỏi mua lượng rơm rạ trên đồng ruộng của ông với giá 10.000 đồng/cuộn. “Hồi trước khi thu hoạch lúa xong tôi thường hay đốt rơm để kịp làm đất, gieo cấy. Bây giờ, rơm rạ này đã có người tới thu gom. Sử dụng máy cuốn rơm nên rất nhanh gọn. Vừa không làm ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất, vừa có lợi kinh tế”, ông Hưng thông tin.

Anh Lê Thái Lập, ở thôn Trung Trường, chủ chiếc máy cuốn rơm cho biết, nhận thấy hạn chế của máy gặt đập liên hợp trong việc xử lý rơm rạ của mùa vụ trước để chuẩn bị nền đất cho mùa vụ sau, do khó thu gom nên người dân chủ yếu chọn giải pháp đốt đồng nhằm giải phóng đồng ruộng nhanh trong khi đây là nguồn nguyên liệu sử dụng trong chăn nuôi, làm phân bón… Năm 2015, anh đã vào tỉnh Vĩnh Long học hỏi kinh nghiệm và mua chiếc máy cuốn rơm hiệu C850 với giá 70 triệu đồng về sử dụng.


Theo anh Lập, máy cuốn rơm được lắp đặt vào máy cày Kubota của gia đình, có thể hoạt động tốt trên cả nền ruộng khô và ướt. Cơ chế vận hành của máy khá đơn giản. Rơm được trục bánh răng của máy cuốn vào và được nén chặt bởi trục cuộn nằm phía trong. Sau khi cuộn rơm đạt tiêu chuẩn kích thước và trọng lượng sẽ được buộc lại bởi hệ thống dây quấn, thắt nút cắt tự động và cuộn rơm sẽ được nhả ra ngoài. Mỗi cuộn rơm hoàn thành trung bình trong thời gian từ 45 - 60 giây. Trung bình mỗi sào ruộng máy sẽ cuốn được từ 6 - 10 cuộn rơm; mỗi cuộn rơm có đường kính 50 cm, dài 80 cm, trọng lượng bình quân từ 10 - 12 kg/cuộn tùy loại rơm khô hay ướt.

Sử dụng máy cuốn rơm, sợi rơm không bị nát, gọn nhẹ, dễ chuyên chở. Công suất thu gom rơm đạt từ 50 - 80 cuộn/giờ tùy thuộc trữ lượng rơm, tính hoạt động liên tục của máy. Máy có thể thu gom 4 - 5 ha/ngày, tương ứng với 500 - 800 cuộn rơm. Hiện nay, ngoài cuốn rơm trên diện tích ruộng của gia đình, anh Lập còn làm dịch vụ cho các hộ nông dân có nhu cầu thu gom rơm với giá 10.000 đồng/cuộn rơm. Thu mua rơm để cung cấp cho các cơ sở chăn nuôi, trồng nấm rơm trên địa bàn và các địa phương lân cận với giá 20.000 đồng/cuộn.

Phó Chủ tịch UBND xã Hải Trường Trương Quang Minh cho biết, thấy được lợi ích của việc thu gom rơm bằng máy, nhiều nông dân sau khi thu hoạch lúa xong đã thuê máy để thu rơm về chăn nuôi, trồng nấm, làm phân hữu cơ… Nếu không có nhu cầu sử dụng rơm thì bán cho thương lái với giá từ 15.000 - 20.000 đồng/cuộn. Ước tính bình quân một vụ, có khoảng 50 - 60 ha được thu gom bằng máy cuốn rơm. Tuy nhiên, theo ông Minh, do chỉ có một máy cuốn rơm trong khi diện tích trồng lúa toàn xã hơn 640 ha nên việc thu gom toàn bộ diện tích không kịp thời. Số diện tích còn lại do khó khăn trong việc thu gom nên nhiều nông dân còn bỏ phí, đốt bỏ tại đồng ruộng; cách xử lý này không chỉ làm thoái hóa đất mà còn làm ô nhiễm môi trường do khói, tro bụi.

Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) Bùi Phước Trang cho biết, hiện nay việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là khâu thu hoạch lúa với trên 90% diện tích được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Tuy nhiên, do hạn chế của máy gặt đập liên hợp đó là phụ phẩm rơm rạ sau khi thu hoạch bị phun rải trên đồng ruộng khiến việc thu gom rất khó khăn dẫn đến tình trạng người dân đốt rơm rạ trực tiếp trên cánh đồng. Mặc dù ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều mô hình, tích cực khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp xử lý rơm rạ khoa học, hợp lý, như: Sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ, thu gom rơm rạ làm thức ăn cho gia súc, ủ phân hữu cơ hoặc tích trữ làm nguyên liệu trồng nấm... nhưng do đặc thù sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là thời gian chuyển vụ từ vụ đông xuân sang vụ hè thu quá ngắn, phần nhiều nông dân muốn nhanh gọn, thuận tiện nên đã chọn cách đốt rơm rạ ngay tại đồng ruộng.

Theo ông Trang, ước tính sau mỗi vụ thu hoạch có khoảng 80% lượng rơm rạ bị đốt hủy gây ô nhiễm môi trường, làm tăng phát thải khí nhà kính, làm các vi sinh vật có lợi bị tiêu diệt, mất chất dinh dưỡng, làm đất đai ngày càng thoái hoá, đặc biệt gây mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, từ đó gia tăng sâu bệnh gây hại, tác động xấu đến hiệu quả sản xuất trong những vụ tiếp theo. Do đó, việc sử dụng máy cuốn rơm để thu gom rơm rạ sẽ góp phần hạn chế tình trạng đốt rơm rạ, đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời tận dụng tối đa rơm cuộn làm thức ăn chăn nuôi trâu bò, phát triển nghề trồng nấm rơm…, góp phần tạo đà cho sản xuất nông nghiệp bền vững.

“Theo thống kê của Chi cục TT&BVTV, hiện nay trên địa bàn tỉnh, số lượng máy cuốn rơm đang còn ít. Để máy cuốn rơm được nhân rộng thì rất cần có sự hỗ trợ, liên kết của các doanh nghiệp; sự năng động, mạnh dạn của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và nông dân trong đầu tư phát triển sản xuất. Qua đó hạn chế việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng, tận dụng được các phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp để vừa nâng cao hiệu quả sản xuất lại hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường”, ông Trang cho hay.